CẬP NHẬT QUY ĐỊNH VỀ CÔNG BỐ MỸ PHẨM NĂM 2022

Trong quá trình thực hiện quy định pháp luật theo thông tư 32/2019/TT-BYT về thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu, Bộ Y tế đã sửa đổi bổ sung phụ lục ban hành kèm theo thông tư 32/2019/TT-BYT, đồng thời cập nhật danh mục các chất cấm và chất bị giới hạn trong mỹ phẩm.

CITYLAW tự hào là đơn vị có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục Công bố mỹ phẩm nhập khẩu. Những khách hàng tiêu biểu của CITYLAW: Paula’s Choice Vietnam, Sagen, Ha Khanh Cosmetics, Harmony Cosmetics, Starshine Marketing, Medicare, EDX Group, Wise Corridor Vietnam, Karmarts Viet Nam, Emart Group, Atomy, Surely, Tonymoly, Hansung E, Sa Im Dang, Seed & Tree, DHC Viet Nam, Beauty By Han Wu,….

Với kinh nghiệm và uy tín được xây dựng suốt nhiều năm qua, CITYLAW xin tổng hợp và gửi tới quý khách hàng Cập nhật Quy định về Công bố mỹ phẩm năm 2022, như sau:

I. THAY ĐỔI VỀ MẪU HỒ SƠ CÔNG BỐ MỸ PHẨM

– Về dạng sản phẩm:

Với Mẫu phiếu công bố cũ, các sản phẩm sử dụng cho tóc đều được liệt kê chung, điều này gây nhầm lẫn và dễ sai sót. Để khắc phục tình trạng ngày, tại Mẫu mới, các sản phẩm sử dụng cho  tóc được liệt kê riêng lẻ thành từng dạng sản phẩm như sau:

  • Sản phẩm chăm sóc tóc (Hair care products)
  • Nhuộm và tẩy màu tóc (Hair tints and bleaches)
  • Uốn tóc, duỗi tóc, giữ nếp tóc (Products for waving, straightening and fixing)
  • Các sản phẩm định dạng tóc (Setting products)
  • Sản phẩm làm sạch (sữa, bột, dầu gội) (Cleansing products (lotions, powders, shampoos))
  • Sản phẩm cung cấp chất dinh dưỡng cho tóc (sữa, kem, dầu) (Conditioning products (lotions, creams, oils))
  • Các sản phẩm tạo kiểu tóc (sữa, keo xịt tóc, sáp) (Hairdressing products (lotions, lacquers, brilliantines)

– Về thông tin công ty xuất khẩu:

Với Mẫu phiếu công bố cũ, doanh nghiệp cần phải liệt kê đầy đủ thông tin công ty xuất khẩu bao gồm: tên công ty xuất khẩu, địa chỉ công ty xuất khẩu, số điện thoại, fax và mã nước xuất khẩu. Điều này đã gây ra khá nhiều bất tiện trong quá trình kê khai hồ sơ của doanh nghiệp. Do đó, Cục quản lý Dược đã thay đổi sang hình thức xác nhận việc lưu hành tự do của sản phẩm và chỉ cần kê khai tên nước xuất khẩu, cụ thể doanh nghiệp cần xác nhận các thông tin sau:

  • Sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành tự do tại nước xuất khẩu hay không
  • Sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành tự do tại nước sản xuất hay không
  • Số thứ tự và mã nước xuất khẩu.

II. CẬP NHẬT DANH MỤC CHẤT CẤM VÀ CHẤT BỊ GIỚI HẠN

Thông tin cụ thể về nội dung cập nhật tại các Phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN (Phụ lục đính kèm công văn) như sau:

a) Tại Phụ lục II, bổ sung 227 chất (Tham chiếu số 1385, 1390, 1392,1394, 1401 đến 1644, A1143).

b) Tại Phụ lục III, bổ sung 10 chất (Tham chiếu số 328 đến 337) với giới hạn quy định cụ thể như sau:

  • Các chất 4-(3-aminopyrazolo[1,5-A] pyridin-2- yl)-1,1-dimethylpiperazin-1-ium chloride hydrochloride (Dimethylpiperazinium Aminopyrazolopyridine HCl) (Tham chiếu số 330) và 1-(3-((4-Aminophenyl) amino)propyl)- 3-methyl- 1H-imidazol-3-ium chloride hydrochloride (Methylimidazoliumpropyl p-phenylenediamine HCl) (Tham chiếu số 331): được phép sử dụng là chất nhuộm màu trong sản phẩm nhuộm tóc oxi hóa với nồng độ tối đa trên tóc sau khi trộn trong điều kiện oxy hóa không được vượt quá 2% (tính theo dạng bazơ).
  • Chất Di-[2-[(E)-2-[4-[bis(2- hydroxyethyl)aminophenyl]vinyl] pyridin1-ium]-ethyl]disulphide dimethanesulfonate (HC Orange No 6) (Tham chiếu số 332): được phép sử dụng là chất nhuộm màu trong sản phẩm nhuộm tóc không oxi hóa với nồng độ tối đa là 0,5% và không được có các tạp chất methanesulfonat, đặc biệt là ethyl methanesulfonat.
  • Chất Sodium 4-[(2-hydroxy-1-naphthyl)azo]benzene sulfonate (Acid Orange 7) (Tham chiếu số 333): được phép sử dụng là chất nhuộm màu trong sản phẩm nhuộm tóc không oxi hóa với nồng độ tối đa là 0,5%.
  • Chất Phenol, 4,4′-(4,5,6,7-tetrabromo-1,1-dioxido-3H-2,1- benzoxathiol3- ylidene)bis [2,6-dibromo (Tetrabromophenol Blue) (Tham chiếu số 334) được phép sử dụng là chất nhuộm màu trong:

          – Sản phẩm nhuộm tóc oxi hóa với nồng độ tối đa trên tóc sau khi trộn trong điều kiện oxy hóa không được vượt quá 0,2% (tính theo bazơ tự do);

          – Sản phẩm nhuộm tóc không oxi hóa với nồng độ tối đa là 0,2%.

  • Dịch chiết/ dịch chiết từ lá/lá khô hoặc bột lá khô của cây Indigofera tinctoria L (Tham chiếu số 335): được phép sử dụng là chất nhuộm màu trong sản phẩm nhuộm tóc không oxi hóa với nồng độ tối đa là 25%.
  • Chất 2- hydroxyethyl methacrylate (Tham chiếu số 328) và Di-HEMA Trimethylhexyl Dicarbamate (Tham chiếu số 329): chỉ được sử dụng bởi người có chuyên môn trong sản phẩm chăm sóc móng.
  • Chất Diphenyl (2,4,6-trimethylbenzoyl) phosphine oxide (Trimethylbenzoyl diphenylphosphine oxide) (Tham chiếu số 336): chỉ được phép sử dụng trong hệ thống móng giả bởi người có chuyên môn với nồng độ tối đa là 5%.
  • Chất 2-Furaldehyde (Furfural) (Tham chiếu số 337) được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm với nồng độ tối đa là 0,001%.

c) Tại Phụ lục VI, cập nhật quy định về giới hạn của chất Polyhexamethylene biguanide hydrochloride (PHMB, Polyaminopropyl biguanide) (Tham chiếu số 28), cụ thể như sau: Là chất bảo quản được phép sử dụng trong tất cả các sản phẩm mỹ phẩm với nồng độ tối đa là 0,1% và không được dùng trong trường hợp có thể dẫn đến việc tiếp xúc với phổi do hít phải khi sử dụng.

d) Tại Phụ lục VII, bổ sung chất lọc tia tử ngoại 2-ethoxyethyl (2Z)-2-cyano- 2-[3-(3- methoxypropylamino) cyclohex-2-en-1-ylidene] acetate (Methoxypropylamino Cyclohexenylidene Ethoxyethylcyanoacetate; BC-3) (Tham chiếu số 31) với các điều kiện như sau:

  • Nồng độ tối đa là 3%;
  • Không dùng trong trường hợp có thể dẫn đến việc tiếp xúc với phổi do hít phải khi sử dụng;
  • Không sử dụng kèm với chất nitro hóa – hàm lượng nitrosamine tối đa: 50μg/kg;
  • Bảo quản trong bao bì trực tiếp không chứa có nitrit.

III. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm ngày 25 tháng 01 năm 2011
  • Thông tư 32/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 4 và Phụ lục số 01-MP Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Trưởng Bộ Y Tế quy định về quản lý mỹ phẩm
  • Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý Mỹ phẩm

Để được tư vấn chi tiết hơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới CITYLAW  – Chúng tôi hân hạnh được hỗ trợ Quý khách!

CITYLAW VIET NAM CO., LTD

LY NGUYEN (Ms) / Lawyer – Manager

 

 ♦ 093 123 9396 – 093 177 9398

 ♦ ls.lynguyen@citylaw.vn

 ♦ 209 Giang Vo, Cat Linh, Dong Da, Ha Noi

 ♦ https://citylaw.vn  

Liên hệ

093.123.9398