CHẤT CẤM TRONG THÀNH PHẦN MỸ PHẨM – CẬP NHẬT QUY ĐỊNH NĂM 2020

Chất cấm trong sản phẩm mỹ phẩm là những chất có hại đối với sức khỏe con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn

CITYLAW tự hào là đơn vị có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ khách hàng công bố mỹ phẩm nhập khẩu tại Việt Nam. Những khách hàng tiêu biểu của CITYLAW: Paula’s Choice Vietnam, Sagen, Ha Khanh Cosmetics, Harmony Cosmetics, Starshine Marketing, Medicare, EDX Group, Wise Corridor Vietnam, Karmarts Viet Nam, Emart Group, Atomy, Surely, Tonymoly, Hansung E, Sa Im Dang, Seed & Tree, DHC Viet Nam, Beauty By Han Wu,… 

Để hiểu rõ các quy định về Phiếu công bố mỹ phẩm, CITYLAW xin gửi tới Quý khách hàng Nội Dung tư vấn chi tiết về Chất cấm trong sản phẩm mỹ phẩm như sau: 

I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THÀNH PHẦN MỸ PHẨM

  • Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn
  • Nhà sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm phải đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN
  • Giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN quy định tại Phụ lục số 06-MP. Thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các Phụ lục (Annexes) – bản mới nhất của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN (địa chỉ truy cập: www.dav.gov.vn hoặc www.aseansec.org).

II. CHẤT CẤM TRONG SẢN PHẨM MỸ PHẨM

Các tổ chức, cá nhân không được đưa ra thị trường những sản phẩm mỹ phẩm có chứa:

1. Các chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm với điều kiện đi kèm được liệt kê trong Phụ lục II (Annex II).

2. Các thành phần được liệt kê trong phần thứ nhất của Phụ lục III (Annex III), với nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc nằm ngoài điều kiện cho phép.

3. Các chất màu khác với các chất được liệt kê trong Phụ lục IV (Annex IV), phần 1, trừ trường hợp các mỹ phẩm chứa các chất màu với mục đích duy nhất để nhuộm tóc.

4. Các chất màu được liệt kê trong Phụ lục IV (Annex IV), phần 1 được sử dụng ngoài điều kiện đã nêu.

5. Các chất bảo quản nằm ngoài danh mục trong Phụ lục VI (Annex VI), phần 1.

6. Các chất bảo quản được liệt kê trong Phụ lục VI (Annex VI), phần 1, với hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc nằm ngoài điều kiện cho phép, trừ trường hợp các chất này được sử dụng với mục đích đặc biệt, không liên quan đến công dụng là chất bảo quản.

7. Các chất lọc tia tử ngoại nằm ngoài danh mục trong Phụ lục VII (Annex VII), phần 1.

8. Các chất lọc tia tử ngoại nằm trong Phụ lục VII (Annex VII), phần 1 nhưng có hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc điều kiện cho phép.

III. CẬP NHẬT QUY ĐỊNH CHẤT CẤM NĂM 2020

  • Các chất là dịch chiết hoặc dầu chiết xuất từ hoa Tagetes Patula và Tagetes Minuta được Phụ lục III với tổng nồng độ, hàm lượng cho phép sử dụng trong mỹ phẩm tối đa là 0,01% đối với sản phẩm lưu lại trên cơ thể (leave-on products) và 0,1% đối với sản phẩm rửa trôi (rinse-off products). Trong đó, hàm lượng Alpha terthienyl (terthiophen) trong các chất này không vượt quá 0,35%. Các chất này cũng không được sử dụng trong sản phẩm lưu lại trên da để chống nắng và có tiếp xúc với tia UV tự nhiên hoặc nhân tạo. Quy định này được áp dụng kề từ ngày 19/12/2020.
  • Thay đổi quy định đối với Biphenyl-2-ol (hay còn gọi là o-Phenylphenol) và các muối của nó: Các chất Biphenyl-2-ol vẫn được sử dụng như chất bảo quản (Phụ lục VI) nhưng có thay đổi hàm lượng tối đa là 0,15% (tính theo phenol) đối với sản phẩm lưu lại trên cơ thể (leave-on products) và 0,2% (tính theo phenol) đối với sản phẩm rửa trôi (rinse-off products). Các muối của Biphenyl-2-ol không còn được phép sử dụng như chất bảo quản (không thuộc Phụ lục VI). Kể từ ngày 18/12/2020, chỉ các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng quy định mới được lưu hành trên thị trường, các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định sẽ bị thu hồi.
  • Chất Phenylene Bis-Diphenyltriazine được phép dùng với công dụng lọc tia tử ngoại và đã được bổ sung vào danh sách lọc tia tử ngoại cho phép sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ, hàm lượng tối đa là 5% (bổ sung vào Phụ lục VII). Quy định này được áp dụng từ ngày 09/8/2019.
  • Các chất 2-Chlorobenzene-1,4-diamine (hay còn gọi là 2-Chloro-p-Phenylenediamine), muối sulfate và muối dihydrochloride của nó được đưa vào Phụ lục II (Các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm) khi nó được sử dụng trong sản phẩm nhuộm tóc. Kể từ ngày 18/6/2020, chỉ các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng quy định mới được lưu hành trên thị trường. Từ ngày 18/12/2020, sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định sẽ bị thu hồi.
  • Chất 1-(4-Chlorophenoxy)-1-(imidazol-1-yl)-3,3-dimethylbutan-2-one (hay còn gọi là Climbazole) được đưa vào Phụ lục III với nồng độ, hàm lượng cho phép sử dụng trong mỹ phẩm tối đa là 2% đối với sản phẩm gội đầu rửa trôi ngăn ngừa gàu (rinse-off anti-dandruff shampoo); được đưa vào Phụ lục VI với vai trò là chất bảo quản có nồng độ, hàm lượng cho phép sử dụng trong mỹ phẩm tối đa là 0,2% đối với sản phẩm dưỡng tóc (hair lotions), kem dùng cho mặt (face creams), sản phẩm chăm sóc chân (foot care products) và 0,5% đối với sản phẩm gội đầu rửa trôi (rinsw-off shampoo). Quy định tại Phụ lục III được áp dụng kể từ ngày 09/8/2019 đối với các sản phẩm công bố mới. Quy định tại Phụ lục VI được áp dụng kể từ ngày 18/6/2020 đối với các sản phẩm công bố mới. Kể từ ngày 18/6/2021, chỉ các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng quy định mới được lưu hành trên thị trường, các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định sẽ bị thu hồi.
  • Các chất Lyral (HICC), Atranol, Chloroatranol: được đưa vào Phụ lục II (Các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm). Kể từ ngày 23/9/2019, các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa một hoặc một số các chất nêu trên không được tiếp tục công bố. Các sản phẩm mỹ phẩm có chứa một hoặc một số các chất này đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được tiếp tục lưu hành trên thị trường đến ngày 23/8/2021.

IV. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm ngày 25 tháng 01 năm 2011
  • Thông tư 32/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 4 và Phụ lục số 01-MP Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Trưởng Bộ Y Tế quy định về quản lý mỹ phẩm
  • Công văn của Cục quản lý dược – Bộ Y Tế cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm
  • Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý Mỹ phẩm

Để được tư vấn chi tiết hơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới CITYLAW  – Chúng tôi hân hạnh được hỗ trợ Quý khách!

CITYLAW VIET NAM CO., LTD

LY NGUYEN (Ms) / Lawyer – Manager

 

 ♦ 093 123 9396 – 093 177 9398

 ♦ ls.lynguyen@citylaw.vn

 ♦ 209 Giang Vo, Cat Linh, Dong Da, Ha Noi

 ♦ https://citylaw.vn  

Liên hệ

093.123.9398